image banner
Phạm Tử Nghi
Phạm tử Nghi huý là Phạm Thành, con ông Phạm Tín người làng Vĩnh Niệm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Phạm Tử Nghi

            Phạm tử Nghi huý là Phạm Thành, con ông Phạm Tín người làng Vĩnh Niệm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

            Phạm Thành sinh vào niên hiệu Hồng Thuận. Thuở thiếu thời, ông ham võ nghệ lại có sức khoẻ lạ thường. Lúc ấy, bọn cướp bể hay đến cướp phá vùng quê, ông cùng trai tráng trong làng tập luyện, tổ chức đánh đuổi cướp, giữ gìn an ninh cho dân. Tương truyền Phạm Thành đã đề xướng và tổ chức đắp con đường Thiên Lôi vừa để ngăn mặn vừa làm nơi luyện tập. Khi Mạc Đăng Dung lên làm vua, ông ra phục vụ tân triều, lập nhiều công tích, trải thăng đến chức Thái uý, tước Tứ Dương hầu. Năm Bính ngọ (1546) Mạc Phúc Hải mất, triều đình tôn con trưởng là Mạc Phúc Nguyên nối ngôi. Phạm Tử Nghi không tán thnàh, cho rằng lúc nước nhà lắm việc, chúa nhỏ nối ngôi sẽ không điều hành được, vậy nên lập con thứ Mạc Thái Tổ là Mạc Chính Trung đã lớn tuổi lại từng xông pha trận mạc, nhưng nhiều thân vương đại thần không nghe. Phạm Tử Nghi đem quân đánh thẳng vào cửa khuyết. Mạc Phúc Nguyên đang đêm phải chạy về xứ Đông. Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính, Trần Phỉ đem quân về cứu. Phạm Tử Nghi đem Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh chạy về vùng Hưng Nhân, Thái Bình ngày nay lập căn cứ. Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính đem quân đến đánh đều bị thua. Phúc Nguyên phải huy động quân 4 trấn Đông, Tây, Nam, Bắc phối hợp mới đánh đuổi được. Phạm Tử Nghi đem quân đến chiếm đóng vùng Yên Quảng, giáp giới với Trung Quốc. Lúc này Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh, Mạc Phúc Sơn chạy sang Khâm Châu nương náu. Nhà Minh dung nạp muốn dùng bọn Văn Minh làm con bài dự trữ. Vì vậy Phạm Tử Nghi đòi nhà Minh phải trả Mạc Văn Minh, họ không nghe. Do đó, đem quân đánh thẳng vào vùng Lưỡng Quảng. Quân nhà Minh không thể nào chế ngự nổi. Họ sai sứ trách cứ vua Mạc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Mạc biết không thể dễ bắt được Phạm Tử Nghi nên phải dùng kế ám hại ông. Thần phả và truyền thuyết thì nói nhà Minh dùng mẹo lừa bắt mẹ ông, rồi mời ông dự hội thề bãi binh sẽ tha mẹ. Vì thương mẹ, ông phải chấp thuận. Nhưng khi đến hội thề nhà Minh đã ngầm phục binh để giết.

            Sau khi ông mất, nhiều nơi lập đền thờ, nhà Hậu Lê phải thể theo nguyện vọng của dân phong ông làm phúc thần, ban thần hiệu Nam Hải đại vương. Vì thế, câu đối ở Lăng Đôn Nghĩa mới có câu: Tướng Mạc, thần Lê danh bất hủ; nghĩa là: làm tướng nhà Mạc, được nhà Lê phong thần danh thơm mãi.

image advertisement
hệ thống văn bản
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0