Quận Lê Chân - Vùng đất, con người và truyền thống lịch sử, văn hóa
QUẬN LÊ CHÂN - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI
VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên 1.231,02 ha; phía Đông giáp quận Ngô Quyền; phía Tây giáp quận Kiến An và huyện An Dương; phía Nam giáp quận Dương Kinh; phía Bắc giáp quận Hồng Bàng.
Quận nằm trong khu vực cấu trúc địa chất, địa tầng của thành phố Hải Phòng, nền đất yếu tác động không nhỏ đến công trình xây dựng và nguồn nước ngầm. Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, một năm được chia thành 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Lượng mưa trung bình năm từ 1.600 - 1.800 mm. Nhiệt độ trung bình tháng từ 20 - 23°C. Độ ẩm trung bình năm từ 80 - 85%.
Vị trí địa lý thuận lợi cùng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông khá hoàn thiện tạo điều kiện cho quận dễ dàng trao đổi, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội với các địa phương trong và ngoài thành phố, trên cơ sở đó, từng bước khai thác, phát huy những thế mạnh, tiềm năng sẵn có và các nguồn lực khác để vươn lên thành một địa phương giàu mạnh, văn minh và hiện đại.
Những năm đầu Công nguyên, cô gái trẻ Lê Chân, người làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn, nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), không chịu làm tì thiếp cho một viên quan đô hộ tham tàn, bạo ngược đã cùng một số bạn bè thân tín trốn đi, nuôi chí lớn và tìm cách trả thù nhà. Bà đến vùng bãi bồi ven biển, có sông ngòi, rừng rậm và quyết định ở lại với vùng đất này. Bà chiêu mộ trai tráng ra sức khai khẩn, chỉ vài năm đã lập thành làng, lấy tên làng An Biên của quê hương cũ đặt cho làng mới, tên nôm là làng “Vẻn”, với nghĩa “ven, rìa”. An Biên được coi là làng lớn và là một trong những làng gốc ở Hải Phòng, phía Bắc giáp sông Cấm và làng Thượng Lý (nay là phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng), phía Nam giáp làng Dư Hàng Kênh (nay là phường Dư Hàng Kênh), phía Đông giáp làng Gia Viên (nay là phường Gia Viên, quận Ngô Quyền), phía Tây Nam giáp sông Tam Bạc và làng An Dương. Do vậy, trong lịch sử, Những trai tráng dũng cảm được lựa chọn lập thành một đội quân vừa khai hoang lấn biển, tăng gia sản xuất, vừa luyện tập, bảo vệ làng xóm, chống lại bọn quan quân đô hộ và các thế lực khác.
Địa bàn quận Lê Chân ngày nay nằm trên địa bàn các làng xưa: An Dương, An Biên, Dư Hàng Kênh và Niệm Nghĩa... thuộc tổng An Dương, huyện An Dương”, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương; năm 1887, thuộc tỉnh Hải Phòng. Từ tháng 7/1888, thành lập thành phố Hải Phòng gồm khu phố Tây “nhượng địa” bên kia lạch Liêm Khê - kênh đào Bonnal, một phần làng An Biên nằm trong khu “nhượng địa”.
Năm 1901, theo cách phân chia hành chính của thực dân Pháp, địa bàn quận Lê Chân ngày nay là địa bàn Đệ nhị hộ và phần lớn Đệ nhất hộ, đến trước năm 1945, tương ứng với Đệ nhị hộ và Đệ ngũ hộ.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nội thành Hải Phòng chia thành 13 khu theo thứ tự từ 1 - 13 (tùy theo địa dư). Địa bàn Lê Chân có: khu 5 (từ khu Lán Bè, Tam Kỳ dọc theo sông Lấp đến đường Cát Cụt), khu 6 (từ Cát Cụt đến Mê Linh, dọc theo Cầu Đất đến đường Trại Cau, chợ Con), khu 8 (chợ Cột Đèn đến An Dương, cầu Niệm vùng giáp Hàng Kênh, Dư Hàng), khu 9 (Trại Cau - Hàng Kênh, Đình Đông giáp Lạch Tray, Cầu Rào).
(1) Phần đất tổng An Dương tương ứng ngày nay chủ yếu thuộc quận Lê Chân, một phần huyện Hải An (cũ), nay thuộc huyện An Dương.
(2) Huyện An Dương được thành lập từ năm 1469, phần đất tương ứng ngày nay gồm toàn bộ nội thành Hải Phòng và phần lớn huyện An Dương.
Sau ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, năm 1955, địa bàn quận Lê Chân tương ứng với địa bàn 3 khu gồm: một phần khu Hàng Kênh, Dư Hàng, một phần khu Cầu Đất. Khu là đơn vị hành chính cấp cơ sở, dưới khu có các tiểu khu.
Ngày 05/7/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 92-CP phân chia lại các khu phố thuộc nội thành Hải Phòng thành 3 khu phố mới là: Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng. Khu phố Lê Chân gồm 56 tiểu khu:
- Khu phố Dư Hàng cũ.
- Các tiểu khu: Trần Phú A, Trần Phú B, Trần Phú C, 5 tổ dân phố của tiểu khu Trần Phú II và các tiểu khu Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trương Hán Siêu, Mê Linh, Lê Chân, Trí Tri, Đông An, Cát Dài A, Cát Dài B, Cát Dài C, Cát Cụt, Đặng Kim Nở B, Nguyễn Văn Tố và Hàng Gà thuộc khu phố Cầu Đất cũ.
- Các tiểu khu: Ngô Quyền, Thống Nhất, Đông Hải, Cánh Gà, Chợ Hàng, 36B, Nhà Thờ, Tap-pi, Văn Minh, 163, Vinh Quang, Hòa Bình, Chợ Con, Thắng Lợi và Từ Vũ thuộc khu phố Hàng Kênh cũ.
Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II thông qua Nghị quyết về việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng.
Trước yêu cầu của tổ chức sản xuất, chiến đấu, phòng không thời chiến, Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố quyết định rút gọn số lượng tiểu khu, tháng 4/1965, khu phố Lê Chân được tổ chức lại gồm 28 tiểu khu: Niệm Nghĩa, Tân Lập, An Dương, Tiến Bộ, Công Nhân, Lán Bè, Hàm Tử, Trần Phú, Đặng Kim Nở, Cát Dài, Nguyễn Văn Tố, Mê Linh, An Biên, Hai Bà Trưng, Lê Chân, Thắng Lợi, Hồ Nam, Chùa Hàng, Cộng Hòa, Lao Động, Tô Hiệu, Chợ Hàng, Đông Hải, Đình Kênh, Vinh Quang, Chợ Con, Ngô Quyền và Hàng Kênh.
Ngày 03/01/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 03-CP “về việc thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở nội thành, nội thị”. Khu phố Lê Chân đổi thành quận Lê Chân; các tiểu khu được sáp nhập để thành lập các phường.
Ngày 25/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 89-HĐBT “về việc phân vạch địa giới một số phường thuộc thành phố Hải Phòng”. Theo đó, chia các phường An Dương, Lam Sơn thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thành 3 phường lấy tên là phường An Dương, phường Lam Sơn và phường Trần Nguyên Hãn.
Ngày 20/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2002/NĐ-CP “về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Hải An và các phường trực thuộc, mở rộng và thành lập phường thuộc quận Lê Chân và đổi tên huyện An Hải thành huyện An Dương thuộc thành phố Hải Phòng”. Sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc huyện An Hải vào quận Lê Chân và thành lập phường Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh. Quận Lê Chân có 1.231,02 ha diện tích tự nhiên và 179.168 nhân khẩu; có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: An Biên, An Dương, Cát Dài, Dư Hàng, Đông Hải, Hàng Kênh, Hồ Nam, Lam Sơn, Mê Linh, Niệm Nghĩa, Trại Cau, Trần Nguyên Hãn, Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh
Ngày 10/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2004/NĐ-CP “về việc thành lập phường thuộc quận Lê Chân; xã thuộc các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng”. Thành lập phường Nghĩa Xá thuộc quận Lê Chân trên cơ sở 64 ha diện tích tự nhiên và 13.779 nhân khẩu của phường Niệm Nghĩa; sáp nhập 2 phường Mê Linh và An Biên thành phường An Biên thuộc quận Lê Chân.
Thực hiện Nghị định số 54/2007/NĐ-CP ngày 05/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, phường Dư Hàng Kênh được chia tách thành 2 phường: Dư Hàng Kênh và Kênh Dương. Quận Lê Chân có 15 phường: An Biên, An Dương, Cát Dài, Đông Hải, Dư Hàng, Dư Hàng Kênh, Hàng Kênh, Hồ Nam, Kênh Dương, Lam Sơn, Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Trại Cau, Trần Nguyên Hãn và Vĩnh Niệm.
II. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA
1. Đặc điểm dân cư, kinh tế - xã hội
Dân cư bản địa trên đất Lê Chân và thành phố Hải Phòng được xác lập và mở mang cộng đồng từ rất sớm, gắn với thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, với truyền thuyết về bà Lê Chân khai hoang, lập làng và quá trình di dân của triều đình phong kiến ở các thế kỷ X, XII, XVII... Một bộ phận dân cư mới trên đất Lê Chân được hình thành trong quá trình hội cư lớn, ồ ạt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gắn liền với quá trình đô thị hóa Hải Phòng và đầu tư tư bản bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp. Họ là những nông dân, thợ thủ công ở các vùng Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... bị bần cùng hóa, rời quê hương ra Hải Phòng làm phu, làm thợ, buôn bán, ở đợ. Tuy ở những miền quê khác nhau nhưng họ sớm hòa nhập với cộng đồng, cùng nhau vun đắp, phát triển bản sắc văn hóa, tính cách người Hải Phòng. Đến năm 2019, quận Lê Chân có 219.762 nhân khẩu, mật độ dân số 18.313 người/km2 (cao nhất thành phố Hải Phòng).
Trong quá trình đô thị hóa, trên địa bàn Lê Chân, đường phố, công sở, nhà máy, xưởng thợ lần lượt được xây dựng. Từ năm 1874, cảng Hải Phòng được khởi công xây dựng. Năm 1885, viên Công sứ Bonnal đã cho đào con kênh nối sông Tam Bạc với sông Cấm rộng 74 m và dài 3 km (sau lấp con kênh này, để lại một đoạn nên quen gọi là sông Lấp - hồ Tam Bạc ngày nay) để lấy đất vượt lấp các hồ ao và đắp nền nhà.
Dưới thời thuộc Pháp, trên đất Lê Chân chỉ có một số cơ sở sản xuất của tư bản, tiểu chủ người Việt, Hoa kiều. Xưởng cơ khí Carông (nay thuộc khu vực thảm len) là lớn nhất, chuyên sửa chữa tàu thuyền, có đông công nhân. Phần lớn dân cư làm thợ, buôn bán nhỏ, trồng rau, làm nghề thủ công, đời sống bị bóc lột nặng nề, nghèo đói, thất học.
Những năm đầu sau ngày giải phóng, Nhân dân trên địa bàn Lê Chân tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, vận động được 5.000 lao động vào các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nhiều ngành nghề trở thành mũi nhọn như giày vải, thêu ren xuất khẩu, phụ tùng xe Trong 2 năm (1979 - 1980), mặc dù có những khó khăn về nguyên liệu, ngành tiểu thủ công nghiệp vẫn chủ động khai thác được 2.500 tấn phế liệu, sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng trị giá 8 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất hằng năm tăng cao. Mức tăng trưởng GRDP bình quân trong khoảng 25 - 31% năm, góp phần không nhỏ trong những thành tích kinh tế của quận, là sự năng động trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Cùng với việc phát triển của cơ sở sản xuất, hoạt động trao đổi, buôn bán cũng sớm hình thành. Văn bia “Hưng công trụ tạo ngõa bi ký” tạo năm Chính Hòa thứ 22 (1701) dựng ở chợ Hàng Kênh cho biết những người dân ở đây đã đóng góp xây dựng quán 3 gian lợp ngói để tiện cho việc buôn bán. Điều đó phản ánh chợ Hàng Kênh có từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Theo “Đại Nam thực lục”, năm 1876, Tổng đốc Hải Dương là Phạm Phú Thứ xin nhà vua cho đặt trường mua gạo ở An Biên. Do đó, phố An Biên đã có tới 100 cửa hiệu buôn bán sầm uất. Triều đình Huế còn cho xây dựng thêm nhà cửa, mở mang phố xá ở khu vực làng An Biên (phía Tây Nam khu nhượng địa của Pháp), chiêu tập một số thương nhân người Hoa, Việt Nam đến sinh cơ lập nghiệp - khu thảm len Hàng Kênh ngày nay (số 124 phố Nguyễn Đức Cảnh).
Ngày nay, quận Lê Chân có khá nhiều chợ với các mặt hàng phong phú, đó là sự giao lưu hài hòa giữa các sản phẩm hàng hóa của ngoại thành và nội thành. Quận có chợ Con chợ Cột Đèn, chợ Hàng vốn nổi tiếng từ lâu đời về hàng nông sản có giá trị.
Về giao thông, dưới thời thực dân phong kiến, giao thông | đi lại chủ yếu là đường đất chật hẹp, lầy lội vào mùa mưa.
Năm 1899, thực dân Pháp cho khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai dài 383 km chạy qua địa bàn Lê Chân và hoàn thành vào năm 1906, nhằm mục đích phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Hiện nay, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố, cùng với sự đóng góp của Nhân dân, hệ thống giao thông trên địa bàn quận khá hoàn thiện. Quận có Quốc lộ 5 chạy qua; có 7,5 km đường đô thị loại 1, có hơn 1.800 ngõ ngách đã được bê tông hóa; mật độ đường chính 3,5 km/km, hệ thống đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc), có 5,5 km sông Lạch Tray là tuyến giao thông thủy cho tàu có trọng tải dưới 500 tấn hoạt động cũng như tạo điều kiện thuận lợi để khai thác cảnh quan đô thị, cải tạo môi trường, tạo khả năng phát triển các khu vui chơi giải trí và du lịch.
Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Ngày 02/10/1905, Hội đồng thành phố quyết định xây dựng Nhà thương bản xứ (Hopital Indigène) - nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, ở một bãi đất trống của Sở Mộ phu. Cuối tháng 4/1906, Nhà thương được xây dựng xong, quy mô nhỏ gồm 1 nhà khám, 2 nhà ở bệnh nhân, mỗi tháng chữa khoảng 25 người, hằng ngày trung bình khám cho khoảng 40 người. Nhà thương dần được mở rộng thêm vào những năm 1927 - 1930, 1943 - 1944, 1950-1954.
Hệ thống trường học trên đất Lê Chân dưới thời thuộc Pháp gồm có: Trường Nam tiểu học Bonnal - nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (số 2 phố Mê Linh), Trường Hàng Kênh và Trường Nữ sinh nay là Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (số 53, phố Lê Chân). Sau đó, Trường Nam tiểu học Bonnal mở thêm lớp cao đẳng tiểu học; đến khi chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, trường chỉ có 4 lớp trung học từ đệ nhất đến đệ tứ niên. Đây là trường khu vực cho Hải Phòng, Kiến An và các tỉnh phụ cận. Ngoài ra, một số trường tư thục cũng được thành lập: Trí Trị, Văn Minh...
Đối lập với số trường học, bệnh viện nhỏ bé, nghèo nàn, cơ sở vật chất, trên đất Lê Chân, thực dân Pháp xây dựng một nhà tù lớn nhất vùng Duyên hải, Đông Bắc. Nhiều đáng viên Đảng Cộng sản và quần chúng cách mạng bị chúng bắt giam tại đây.
Từ sau khi hòa bình lập lại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực văn hóa - xã hội được đầu tư. Công tác giáo dục - đào tạo đạt kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên giỏi, học sinh giỏi ngày càng tăng. Đến năm 2019, quận có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, hàng nghìn người được dạy nghề mỗi năm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo môi trường văn hóa, nếp sống văn minh. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình và trẻ em được thực hiện tốt. Hệ thống phòng khám, bệnh viện, trạm y tế được xây dựng đến tận cơ sở. Sức khỏe Nhân dân được đảm bảo. Đời sống của Nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
2. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Trong suốt chiều dài phát triển cùng lịch sử dân tộc, vùng đất và con người quận Lê Chân đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo tồn những giá trị, những nét đẹp văn hóa của quê hương.
Đồng hành cùng những chặng đường lịch sử của đất nước, Nhân dân Lê Chân đã xây đắp nên những di sản văn hóa vô cùng quý giá, đó là những công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa: đình, chùa, miếu, đền, nhà thờ và từ đường dòng họ cùng nhiều lễ hội cổ truyền, sinh hoạt văn hóa, phong tục tốt đẹp và làng nghề truyền thống
Ở phường Niệm Nghĩa còn bia “Văn hội bi kỉ”, tạo năm 1782, ghi chép việc đóng góp xây dựng Văn Từ. Ở Dư Hàng có hội Tư văn. Ở Hàng Kênh có Văn Từ (Văn Từ hàng huyện An Dương) được xây dựng năm 1698 và trải qua 2 lần trùng tu lớn, kiến trúc hiện nay mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX; 2 nhà bia có ghi tên tuổi những nhà khoa bảng của làng Hàng Kênh thời phong kiến 1460 - 1693, trong đó có cụ Ngô Kim Húc đỗ Tiến sĩ năm 1478, làm quan đến chức Đô đốc sự trung khoa lại. Ở làng An Dương (nay thuộc phường An Dương và một phần phường Niệm Nghĩa) có cụ Đỗ Bảo Chân sinh năm 1456, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân lúc 38 tuổi...
Đặc biệt trong số danh thần, võ tướng tiêu biểu có cụ Phạm Tử Nghi (1509 - 1551) là tướng nhà Mạc, người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương - nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, có sức khỏe phi thường, được dân làng gọi là Thiên Lôi. Truyền thuyết kể lại rằng: ông từng đắp con đê dài khoảng 3 dặm, lại đặt 2 ụ đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê; sau đó cầm gậy chạy đến chỗ ụ đất hét đánh một cái thì quét sạch đất. Nhờ tài năng xuất chúng, Phạm Tử Nghi được nhà Mạc thu dụng, dần dần được cất nhắc làm Thái úy, tước Tứ Dương hầu.
Trên địa bàn quận Lê Chân hiện có trên 50 di tích lịch sử - văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 9 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Những di sản văn hóa trên của quận Lê Chân lưu giữ sâu sắc dấu tích văn hóa trải dài từ thời nữ tướng Lê Chân đến thời đại Hồ Chí Minh, trở thành địa chỉ nổi tiếng của thành phố Hải Phòng, trong đó có: Di tích lịch sử - văn hóa đình Hàng Kênh, Di tích lịch sử văn hóa đền Nghè, Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân, Di tích lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại địa chỉ số 1/42 phố Mê Linh, Di tích hoạt động bí mật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại nhà bà Đặng Thị Sáu - phường Dư Hàng Kênh, Di sản văn hóa phi vật thể chợ Hàng, Di tích lịch sử trường Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), Di tích kiến trúc nghệ thuật đình An Biên...
Trong quá trình hình thành, phát triển, mở mang cộng đồng, tạo dựng cuộc sống, người dân Lê Chân luôn có mặt và đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. Mở đầu cho truyền thống đánh giặc ngoại xâm của người Hải Phòng - trong đó có quận Lê Chân là nữ tướng Lê Chân cùng đội hùng binh của mình xuất phát từ trang An Biên tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng chống quân đô hộ Đông Hán (năm 40 - 43), giành lại giang sơn. Khởi nghĩa thắng lợi, bà trở thành vị tướng thống lĩnh việc phòng thủ miền Duyên hải, Đông Bắc. Quân Hán Hạ kéo sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, bà đã chỉ huy nhiều trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng... Song, thế giặc mạnh hơn, đất nước lần nữa rơi vào tay quân đô hộ, bà đã tuẫn tiết theo Hai Bà Trưng. Sau khi hóa, bà đã hiển thánh trong lòng Nhân dân, trở thành Phúc thần, Thành hoàng làng An Biên. Trải qua thời gian, Thánh mẫu Lê Chân luôn âm phù cho quốc thái, dân an, được nhiều triều đại sắc phong “Thượng đẳng thần”, được Nhân dân tôn vinh như một vị khai sinh ra vùng đất nội đô, được dựng tượng đồng sừng sững, uy nghiêm tại trung tâm thành phố.
Thời kỳ Bắc thuộc, người dân Lê Chân, Hải Phòng luôn mặt trong các cuộc nổi dậy của Lý Bí (năm 542), Mai Thúc Loan (năm 722)... Đặc biệt năm 938, trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán, Nhân dân các làng An Biên, Niệm Nghĩa, An Dương, Hàng Kênh, Dư Hàng... đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy làm nên chiến thắng vang dội đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, giữ vững nền độc lập dân tộc. Do đó, nhiều làng xã trên địa bàn quận Lê Chân hiện nay được các triều đình phong kiến cho phép thờ và ra sắc phong thờ Ngô Quyền - vị Tổ Trung hưng của dân tộc. Năm 1288, Nhân dân địa bàn quận Lê Chân tích cực tham gia góp sức, góp của cho trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng lịch sử, tiêu diệt hàng chục vạn quân xâm lược Mông - Nguyên. Trần Hưng Đạo được Nhân dân lập đền thờ tưởng nhớ.
Năm 1872, thực dân Pháp đánh chiếm vùng đất ven sông Cấm và bắt đầu một thời kỳ tiến hành đô thị hóa, đẩy mạnh khai thác, bóc lột thuộc địa. Các cuộc phản kháng của Nhân dân ta nổ ra liên tục. Năm 1885, Nhân dân Lê Chân ủng hộ cuộc đấu tranh của phu đào kênh Bonnal (sông Lấp - hồ Tam Bạc). Trai tráng vùng đất Lê Chân tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa do Mạc Đình Phúc lãnh đạo. Trung tuần tháng Chạp năm 1897, nghĩa quân vượt cầu Niệm đánh vào thành phố Hải Phòng... Những cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu phong kiến lãnh đạo cuối thế kỷ XIX đều bị thất bại, đánh dấu thời kỳ khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và ý thức hệ tư tưởng.
Sang đầu thế kỷ XX, nhiều người dân trên địa bàn quận làm thợ ở các nhà máy, bến cảng đã chứng kiến và ủng hộ những cuộc đấu tranh của công nhân và lao động thành phố. Đầu năm 1902, đông đảo Nhân dân thành phố Hải Phòng đấu tranh chống mộ phu và giải tán số phu chuẩn bị đi Tân Đảo (tập trung ở Sở Mộ phu, khu Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp ngày nay). Các đường phố, chợ, xóm thợ thưa vắng bóng người. Quân đội Pháp không thể kiếm ra công nhân khuân vác để phục vụ đợt diễn tập của hải quân. Năm 1912, hơn 500 công nhân lò nung Nhà máy Xi măng, trong đó có con em Lê Chân đã bãi công và mít tinh ở bãi Phong Lợi Thành đòi tăng 5% lương và chống đánh đập... Các cuộc đấu tranh của thợ thuyền, dân nghèo thời kỳ này là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, những cuộc đấu tranh đó còn mang nặng tính “tự phát”. Giai cấp công nhân đang trong thời kỳ hình thành. Lịch sử đang đặt ra những yêu cầu mới phải được giải quyết. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) đã đáp ứng được yêu cầu đó.
Trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1930 - 1945), quê hương Lê Chân là nơi có những địa điểm bí mật tiếp nhận những tài liệu truyền bá tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc chuyển từ nước ngoài về; hình thành nhiều địa điểm hoạt động, gây dựng, phát triển cơ sở, phong trào cách mạng của những lãnh tụ tiền bối như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Linh... Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), vùng đất Lê Chân có vai trò quan trọng vừa là nơi cung cấp nguồn lực, là vùng đệm, đồng thời là địa phương nuôi giấu, bảo vệ, giữ vững và làm cầu nối cho phong trào kháng chiến giữa khu vực nội thành với ngoại thành thành phố Hải Phòng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân quận Lê Chân vừa tích cực lao động sản xuất vừa kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, chi viện tối đa, sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, phải đương đầu với bao khó khăn, gian khổ, thiên tai giặc giã và kẻ thù ngoại bang nhưng Nhân dân Lê Chân với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong chế ngự thiên tai; kiên cường, dũng cảm chống kẻ thù xâm lược đã trở thành truyền thống tốt đẹp, được các thế hệ người dân trân trọng, gìn giữ và phát huy.