Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA- LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN
1. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể:
Từ khi nào người dân quận Lê Chân cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi, người dân Lê Chân đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội để tưởng nhớ cũng như bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn đối với vị Đương cảnh Thành hoàng Nam hải Uy linh Thượng đảng tôn thần Thánh Chân Công Chúa, vị nữ tướng tài ba đã cùng với Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lược nhà Đông Hán thế kỷ I. Bà còn là người có đã có công khai hoang lập nên trang ấp đầu tiên của vùng đất này, gọi là trang An Biên, khởi thủy có tên nôm là làng Vẻn - có nghĩa là vùng đất ven sông, là nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay.
Khi thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển và được mở rộng, làng Vẻn (trang An Biên xưa) được mang tên quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Theo một số tư liệu địa chí, địa giới trang An Biên xưa kia bao gồm cả phần đất quận Lê Chân ngày nay cùng với khu An Đà, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), và khu đất từ chợ Sắt đến Nhà Hát lớn (quận Hồng Bàng bây giờ).
Những người dân gốc làng Vẻn, tức xã An Biên, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương xưa vẫn còn các dòng họ như Lê, Vương, Nguyễn, Đỗ, Trịnh. Họ Lê nhận là di duệ của nữ tướng Lê Chân và có mối quan hệ thông gia, liên gia với một số họ làng Vẻn.
Theo "Hải Phòng An Biên thần tích bi" còn được lưu giữ tại đền Nghè. Nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà sinh vào khoảng đầu công nguyên, trong một gia đình có truyền thống dạy học, làm thuốc. Bố là ông Lê Đạo, mẹ là bà Trần Thị Châu, ông bà thường xuyên làm việc thiện tu nhân tích đức. Bà lớn lên, thông minh tài sắc ven toàn.
Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Hán đô hộ, Thái thú Tô Định thi hành chính sách bạo ngược, dân ta sống trong cảnh lầm than, khắp vùng đều biết đến. Viên Thái thú Tô Định nghe tiếng bà, muốn cưỡng ép làm vợ, nhưng đã bị bà từ chối, Tô Định oán giận đã sát hại cha bà.
Bà ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với Tô Định. Sau khi đi thị sát, bà phát hiện ở vùng ven biển có nhiều sông rạch tạo thành các đường thủy nối liền, lòng mừng thầm, nghĩ được trời ban cho nơi che chở. Bà trở về quê cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn.
Nhớ quê nhà, bà bèn lấy tên quê gốc để đặt tên cho vùng đất mới: Trang An Biên, lại mở một chợ ở bên sông để tiện việc mua bán. Tại đây bà thu nạp những người có hoàn cảnh giống như bà và tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.
Lúc ấy ở đạo Sơn Tây có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đang phát hịch kêu gọi tướng sĩ khắp nơi khởi nghĩa giết giặc Tô Định. Lê Chân được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Trưng Trắc thấy diện mạo khác thường, có chí khí nên đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân Công Chúa, đem quân cùng Bình Khôi Công Chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần. Thánh Chân Công chúa được phong là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược.
Khi trở về làng, bà đã dựng đồn, tăng cường triêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên, ai ai cũng đội ơn và kính yêu bà như cha mẹ.
Sau thất bại ở Giao Chỉ, Tô Định về nước dâng biểu tâu vua Hán, Hán Quang Vũ bèn phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng, Đoàn Chí làm Lâu Thuyền tướng quân sang đánh Giao Chỉ. Nhận được lệnh của Trưng Vương, Thánh Chân Công chúa lập tức về kinh dốc sức giúp Trưng Vương đánh giặc.
Khi Mã Viện đem đại quân tiến vào nước ta theo đường biển, Lê Chân đã tổ chức phòng ngự ngăn quân Mã Viện từ địa đầu biên giới Đông Bắc, giao chiến 3 trận rồi mới rút dần về căn cứ Lãng Bạc: "Để giữ vững các nơi hiểm yếu, Trung Vương sai Thánh Thiên đóng quân ở Hợp Phố phòng mạn Bắc, Đô Dương giữ Cửu Chân phòng mạn Nam, Bà Lê Chân được giao trọng trách "Chưởng quản binh quyền nội bộ" đóng bản doanh ở Giao Chỉ".
Truyền thuyết kể rằng, sau nhiều lần giao chiến quân Hán thua to, Trưng Vương nhân lúc thắng thế hộ quân đuổi tràn, dải yếm gió thổi tung bay. Quân giặc biết vua và tướng ta, quân sĩ đều là nữ lập tức sử dụng hạ nhục kế khiến vua tôi bị thất trận.
Cuộc khởi nghĩa tan rã, Hai Bà Trưng trầm mình xuống dòng sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Thánh Chân Công chúa rút về vùng núi Lạt Sơn (nay thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) xây dựng căn cứ kháng chiến.
Sau khi xem xét sơn xuyên, Bà quyết định cho quân đóng ở Thung Dâu, Thung Hiến, Thung Bể, đội quân tiền phương đóng ở Mộc Bài, tổng chỉ huy đóng ở Hang Diêm. Lực lượng của nghĩa quân mới bắt đầu ổn định và phát triển thì Mã Viện đã kéo đến vây hãm, đánh phá điên cuồng. Tướng Lê Chân cùng các tướng sĩ quyết chiến với quân thù, song do lực lượng quá chênh lệch, căn cứ vừa mới hình thành, đội quân của Thánh Chân Công chúa thất trận, Nữ tướng gieo mình xuống Giát Dâu tuẫn tiết, khi ấy là ngày 25 tháng chạp.
Lúc này, ở trang An Biên người và vật đều không yên. Một đêm người dân An Biên được Thánh Chân Công chúa báo mộng về: "Ta vốn là Tiên nữ trên thiên đình xuống hạ giới, nay đã hết duyên trần phải về chầu Thượng đế. Thượng đế ân phong làm Thành hoàng, các ngươi nếu mai ra bờ sông thấy vật lạ gì thì rước về mà thờ phụng". Sớm hôm sau, dân làng ra bờ sông, hôm ấy bầu trời u ám, gió lớn mưa to, mặt nước sông cuồn cuộn chảy, rùa giải đua bơi, cá kình rẽ sóng,... Bỗng thấy có phiến đá từ từ trôi ngược dòng nước, người dân trang An Biên thấy như ứng trong mộng, vào chợ sắm sanh lễ vật và cùng sụp lạy. Phiến đá từ từ trôi vào bờ, trên phiến đá có một miếu đá nhỏ, trong miếu ghi dòng chữ: Thánh Chân Công chúa. Nhân dân An Biên rước về, lập đền thờ phụng.
Lại cho rằng: Phiến đá trôi ngược dòng nước, rất nhiều làng lân cận trông thấy đã dâng lễ vật quỳ lạy nhưng phiến đá không vào, chỉ đến khi người làng An Biên ra lễ, phiến đá mới từ từ trôi vào.
Vào thế kỷ thứ XIII, giặc Chiêm Thành vào cướp phá hải phận nước ta. Vua Trần Anh Tông dẫn quân đi dẹp giặc, một hôm nhà vua hành quân qua vùng đất An Biên thì vừa lúc mặt trời gác núi, vua cho dừng thuyền nghỉ. Đến đêm, nhà vua mộng thấy một thiếu nữ, xiêm áo chỉnh tề đến tâu vua rằng: "Thiếp tôi vốn là tướng của vua Trung bị giặc Hán sát hại. Sau khi mất, thượng đế ân phong ban cho làm phúc thần xứ này. Nay hoàng đế ra quân dẹp giặc, thiếp tôi nguyện xin âm phù vận nước, giúp đỡ ba quân, đợi tin chiến thắng, thần thiếp cũng rửa được hận cũ". Nhà vua tỉnh giấc, ghi vào kim chương để xem ứng nghiệm ra sao. Đến khi tiến quân thuyền trôi như bay, đến thẳng đất Chiêm giao chiến, quân Chiêm thua to, chạy tan tác.
Dẹp yên giặc giã, vua đem quân về triều xét công ban thưởng tướng sĩ, gia phong các thần đã âm phù, ban sắc cho Thánh Chân Công chúa mỹ hiệu là Nam Hải uy linh, sai rước sắc về xã An Biên, huyện An Dương làm lễ, cấp cho xã An Biên 100 quan tiền để sửa sang đền miếu thờ tự. Từ đó về sau thường linh ứng giúp nước che chở cho dân, các triều đại về sau đều sắc phong tặng mỹ hiệu. Vào ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) sắc phong cho Thánh Chân Công chúa là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù; Ngày 19 tháng 8 năm Thành Thái thứ 14 (1902) sắc phong Thánh Chân Công chúa là Trai Thục Dực Bảo Trưng Hưng đẳng thần; đến niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 (1911) Thánh Chân Công chúa được vua phong thần là Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần.
Công trạng của bà được các nhà nghiên cứu lịch sử, những nhà văn ghi lại thành những áng văn vần theo thể vịnh sử như:
Trời Bắc trời Nam buổi khó khăn
An Biên nữ hiệp có Lê Chân
Thù cha giận kẻ gây oan trái
Nhục nước xui ai nhớ nợ nần
Giúp bạn cân thoa đôi chúa Thánh
Nên tài lương đống một công thần
Bảng văn tay thảo lo tìm tướng
Cuộc vật thân bầy để kén quân
Đóng bộ bào hồng coi lẫm liệt
Sử cây gươm bạc thấy siêu quần
Một phen tiến đánh như mưa bão
Tô Định không còn dám chống ngăn,...
Trải qua gần 2000 năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, các di tích thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng của thời đại Trưng Vương được nhân dân ta đời đời hương khói thờ phụng.
Nằm trong hệ thống các di tích thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng, Thánh Chân Công chúa là một nữ tướng được nhân dân nhiều vùng thờ phụng.
Tại Hải Phòng, để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo,.. thờ phụng. Huyện An Lão, thành phố Hải Phòng có đền thờ nữ tướng Lê Chân tại Núi Voi. Tương truyền Núi Voi là khu vực hiểm trở, thuận lợi cho việc dùng binh nên nữ tướng Lê Chân đã bí mật sử dụng nơi này chiêu mộ, tập hợp, huấn luyện binh sĩ chờ ngày xuất trận.
Đặc biệt là tại quận Lê Chân ngày nay, nơi mà nữ tướng Lê Chân lập nên trang ấp đầu tiên - trang An Biên xưa, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay có nhiều di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng Lê Chân như: đền Nghè, đình An Biên, chùa Vẻn (tên chữ Linh Quang Tự), và đình Vẻn ngoài. Tất cả các di tích này đều có sự liên quan mật thiết với nhau, nhất là trong việc tổ chức lễ hội, tế lễ, rước sách, thờ cúng từ xưa đến nay của người dân quận Lê Chân.
Chùa Vẻn theo thiết chế là nơi thờ phật, nhưng chùa lại có một ý nghĩa rất sâu sắc, chùa được mang tên làng Vẻn, tên từ buổi khai nguyên nữ tướng Lê Chân đến khai hoang lập ấp.
Đền Nghè, theo An Biên thần tích bi ký và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì khi người dân An Biên dâng lễ và phiến đá trôi vào bờ, người dân khiêng về lập miếu thờ phụng. Khi đi đến xứ Đồng Mạ (đền Nghè ngày nay ) đặt xuống nghỉ ngơi, sau đó định khiêng đi tiếp nhưng không sao chuyển được, người dân hiểu rằng nữ tướng muốn ngự nơi này, nên đã lập miếu thờ tại đây và mang tên "An Biên cổ miếu".
Đình An Biên, theo An Biên thần tích bi ký được lưu giữ tại đền Nghè thì sau khi bà mất và được thờ tại An Biên cổ miếu (đền Nghè ngày nay), bà đã âm phù dương trợ, che chở, ban phước lành cho nhân dân. Đến đời vua Trần Anh Tông, bà có công âm phù giúp vua Trần đánh thắng giặc Chiêm Thành, Bà được vua Trần phong là Thành hoàng trang An Biên, và giao đất xây dựng đình thờ phụng.
Tại quận Lê Chân ngoài hai di tích đền Nghè, đình An Biên thờ nữ tướng Lê Chân còn có đền An Biên, người dân nơi đây thường gọi là đình Vẻn ngoài thờ Nữ tướng. Theo một số cụ cao niên cho biết, khoảng thế kỷ 19 làng Vẻn (An Biên) xưa được tách thành hai làng nhỏ. Để tưởng nhớ công ơn của Nữ tướng, dân làng mới tách gọi là Vẻn ngoài cũng lập đền thờ Bà và lấy tên là đình Vẻn ngoài.
Với vị trí của hai di tích đền Nghè và đình An Biên, chúng ta có thể hình dung được con đường tạo ra sự kết nối về tâm linh giữa đình - đền và chùa ở An Biên xưa, tất cả đều được tính toán hợp lý.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân là một hoạt động văn hóa truyền thống đến nay đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân quận Lê Chân nói riêng và người dân thành phố Hải Phòng nói chung.
Khi lễ hội được mở ra, từ đền Nghè sẽ rước tượng, bài vị, long đình, bát biểu và các nghi trượng khác về đình để tổ chức lễ hội.
Công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội được người dân làng An Biên xưa chuẩn bị ngay từ những ngày cuối năm. Người dân trong làng tập trung tại những di tích nơi thờ Thánh Chân Công chúa như đình An Biên, đền Nghè (An Biên cổ miếu) để chuẩn bị cho công việc như dọn dẹp, bao sái thần tượng, bài vị cũng như đồ thờ tự và phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho một mùa lễ hội.
Những công việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng lại được người dân nơi đây thực hiện với một tâm thức rất thành kính. Tất cả mọi vật dụng được dùng trong công việc bao sái đều là những đồ vật phải sạch sẽ, tinh khiết.
Xưa kia việc bao sái Thần tượng, đồ thờ tự hầu hết là những người lớn tuổi trong làng, có uy tín, gia đình thuận hòa, không có tang xám.
Các bước bao sái cũng tiến hành một cách tỷ mỉ, cẩn thận. Nước tắm tượng được một trai đinh trong làng bơi ra giữa dòng sông Tam Bạc lấy chóe rước về bao sái. Sau khi bao sái bằng nước sạch, dân làng nấu những nồi nước lá được lấy từ một loại lá thơm, có thời kỳ còn được dùng bằng nước hoa, thay áo mới cho thần tượng, dân gian gọi là Lễ Mộc dục.
Theo các cụ cao niên trong làng thì lễ hội chính của làng An Biên được diễn ra vào ngày Thánh đản, là ngày sinh của Thánh Chân Công chúa mồng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm và được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 đến ngày mồng 9 tháng 2. Nhưng theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì ngay từ những ngày, tháng đầu năm mới, từ tháng giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi đổ về làng An Biên nơi thờ nữ tướng Lê Chân để tưởng nhớ, tri ân và cầu mong bà che chở, phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được ám no, bình an.
Theo như thường lệ, trước ngày chính hội, dân làng An Biên sắm sanh lễ vật thực hiện nghi lễ nhập tịch (còn gọi là Lễ vào đám) là nghi lễ xin phép Thánh cho phép dân làng được tổ chức lễ hội. Đồng thời với những nghi lễ Mộc dục và Lễ nhập tịch là Lễ Cáo yết, đây là nghi lễ báo cáo với thần linh mọi công việc đã được dân làng chuẩn bị hoàn tất.
Ngày mồng 8 tháng 2 là ngày chính hội, dân làng dâng lễ vật. Lễ vật do cai đám của năm đó phụ trách. Hàng năm để chuẩn bị cho lễ hội của làng, dân làng An Biên tổ chức họp bàn và giao cho những người tế đám mới (số lượng người tùy vào từng năm, có năm thì 4 người, có năm lên đến 8 người tế đám mới) 100 đồng tiền Đông Dương giữ và làm việc sinh lãi để sắm sanh lễ vật cho những ngày lễ hội của làng, những người này được gọi là cai đám.
Vào ngày lễ hội, lễ vật chủ yếu là lợn, do vậy lợn thờ được làng phân công cho cai đám năm đó nuôi. Lợn tế thánh phải được chọn và nuôi cẩn thận, được ăn theo chế độ ăn riêng, khác với lợn nuôi thường. Đến ngày vào đám phải được tắm rửa sạch sẽ, thả riêng. Lợn nuôi phải đủ cân khoảng 70kg một con, nếu thiếu cân nào, cai đám năm đó phải chịu trách nhiệm, phải đền tiền cho làng là 5 hào, một chân rượu. Lợn được thịt lấy đầu và đuôi để biện lễ trên nhang án, lợn tế thánh được gọi với sự thành kính là ông lợn.
Và điều đặc biệt trong việc tiến lễ phẩm dâng lên Thánh Chân Công chúa không thể thiếu cua bể, bún và bánh đúc, truyền thuyết kể lại rằng vào ngày phiến đá trôi ngược dòng sông về đến vùng này thì dân làng An Biên đã sắm sửa những lễ phẩm này để làm lễ và đã rước được Nghè đá về thờ tại đền Nghè ngày nay.
Ngoài lễ phẩm, Ban hành lễ cử người hay chữ, có uy tín trong làng viết văn tế. Văn tế ca ngợi công đức của Thánh Chân Công chúa và thể hiện được ước muốn của nhân dân, cầu mong đức Thánh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, hải vật phong phú, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Trước khi thực hiện việc rước thành hoàng về đình, làng tổ chức đại tế tại đền Nghè. Đội tế gồm 17 người: Một Hội chủ, hai đông xướng, hai tây xướng, 12 Chấp sự chia đều đứng hai bên, Ban hành tế được bố trí dọc theo trục thần đạo hai bên nhang án, dưới đất trải chiếu.
Lễ đầu tiên là Lễ trình, và lễ tiếp theo là lễ Tiến phẩm và tuần tế dâng hoa, dâng trà.
Sau khi tế lễ tại đền Nghè, đoàn rước sẽ đưa bát nhang từ đền Nghè lên kiệu để rước về đình An Biên. Trước khi kiệu khởi hành, trống chiêng đánh liên hồi để mọi người biết được chuẩn bị tham gia. Khi rước kiệu ra khỏi đền, kiệu dừng lại để mọi người xếp thành hàng.
Thứ tự rước như sau:
Đi đầu là cờ hiệu - cờ chỉ huy - tượng trưng cho uy thế của vị đương cảnh thành hoàng. Tiếp sau là 5 cờ đuôi nheo, màu sắc theo ngũ hành: đỏ, vàng, xanh, trắng và đen, cờ màu vàng đi trước rồi đến cờ mày đỏ, xanh, trắng và đen. Làng cắt cử 5 trai tân khỏe mạnh, mặc áo nậu vác cờ (áo nậu là loại áo ngắn, gọn, có nẹp, thường là màu vàng được mặc khi vác cờ, khiêng kiệu,...)
Sau cờ ngũ hành là chiếc trống cái to được sơn son do hai người khiêng. Người đánh trống gọi là thủ hiệu. Ông này thường là người chỉ huy đám rước, có người vác lọng che cho thủ hiệu. Tiếp theo là chiêng cũng do hai người khiêng và có người đánh chiêng. Trống, chiêng giữ nhịp cho đám rước.
Tiếp theo là những người mang bát biểu, chấp kích. Những người này được ăn mặc giống như người mang cờ. Tiếp theo sau là phường đồng văn, tức là đoàn nhạc gõ. Phường đồng văn gồm một người cai cầm trống khẩu (trống nhỏ có cán cầm tay), một người cầm thanh la, hai người sinh tiền, vài người đánh trống bản ngũ lôi (trống bản là loại trống mặt rộng, thân ngắn, đeo ngang thắt lưng và đánh bằng hai dùi nhỏ). Đi sau phường đồng văn là một người mặc áo thụng vác lá cờ thêu chữ lệch, gọi là cờ vía. Một người cầm biển gỗ, ba người tiếp theo mỗi người cầm một thanh gươm hay kiếm gọi là gươm dàn mặt, hay kiếm lệch. Tiếp theo là phường bát âm với đàn, sáo, nhị, kèn, tiu, cảnh,...
Tiếp theo phường bát âm là Long đình, gồm bốn người khiêng và bốn người đi cạnh để thay thế. Long đình là chiếc kiệu có mái sơn son thiếp vàng, bên trong có đỉnh trầm hoặc bát nhang và mâm ngũ quả. Long đình có bốn tàn lọng che.
Kế đến là kiệu võng do bốn trinh nữ, nết na, có nhan sắc được dân làng lựa chọn khiêng kiệu võng. Những cô gái khiêng kiệu mặc quần áo màu đỏ, đội khăn đỏ, đi hài xanh, trang phục đẹp đẽ, khuôn mặt rạng ngời thay nhau khiêng kiệu.
Sau kiệu võng là kiệu bát cống (kiệu thánh). Kiệu có lọng che do tám trai đinh khiêng bước theo nhịp trống và tám trai định khác đi bên cạnh để thay thế. Những người được dân làng lựa chọn, cắt cử để tham gia rước kiệu đều là những chàng trai khỏe mạnh, chưa lập gia đình có đức, có tài, không có điều đáng chê trách trong làng xóm, ai được lựa chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình. Tiếp sau là các đoàn tế nam, đoàn tế nữ của địa phương và các làng lân cận tham gia, các bô lão, chức sắc của làng mặc áo thụng đi sau kiệu, và tiếp theo sau là dân làng,...
Lễ rước kiệu Thánh Chân Công chúa từ đền Nghè về đình An Biên (ngày vào đám) và từ đình An Biên về đền Nghè là đông vui và nhộn nhịp nhất. Lễ rước vừa mang đậm tính chất lễ, vừa mang đậm nét hội hè, thu hút nhiều người tham gia không chỉ riêng của làng An Biên mà còn thu hút nhiều làng lân cận, đủ mọi lứa tuổi, giới tính với đủ mọi tầng lớp tham gia, hòa nhập vào đoàn rước linh đình này. Các làng lân cận đi tham gia vào đám rước gọi là đi "phù giá".
Theo lịch trình đã được thống nhất từ trước, khi bắt đầu được khởi kiệu từ đền Nghè, đoàn rước theo đường ngõ Nghè đi ra Cầu Đất, sau đó rẽ vào đường Cát Dài để đi vào đình An Biên. Đám rước đi rất chậm, thời gian rước chừng khoảng gần 2h đồng hồ.
Theo các cụ cao niên trong làng thì có nhiều năm đoàn rước còn rước về chùa Vẻn và có những năm kiệu bay về đền Hạ Lý, rồi bay về đến chùa Đỏ rồi mới bay về đền Nghè. Những năm kiệu bay như vậy, dân làng An Biên cảm thấy vô cùng hân hoan vì đây là điều tốt lành, mọi người cho rằng năm nào kiệu bay là Thánh hoan hỉ và năm đó người dân sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Sau khi đoàn rước kiệu Thánh Chân Công chúa về đến đình An Biên, sau khi an vị là phần tế lễ diễn ra tại đình An Biên, các hoạt động tại đây diễn ra sôi nổi và gắn liền với các hoạt động tại di tích đền Nghè, tạo ra một không khí cực kỳ sôi động và tất cả như hòa cùng một nhịp sống trên mảnh đất Lê Chân có bề dày lịch sử.
Tại đình An Biên, vào những ngày lễ hội dân làng tổ chức nhiều trò chơi, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân nơi đây như trò đấu vật, đánh đu, đánh phết, chơi cờ người, chọi gà,... trong đó tiêu biểu là những trò chơi gắn liền với những truyền thuyết về Thánh Chân Công chúa và thể hiện ước muốn của người dân miền biển, như trò chơi đấu vật, bơi chải và đánh phết.
Ở làng An Biên xưa đấu vật thường được diễn ra vào hai thời điểm: là ngày mồng 3 tết âm lịch và những ngày diễn ra lễ hội của làng ngày Thánh đản, địa điểm đấu vật là đình An Biên. Xưa kia khu vực đình An Biên có nhiều cây cổ thụ và một hồ rộng khoảng 8 sào Bắc bộ.
Đấu vật làng An Biên còn có tên gọi là "vật đập đất" (vật ngã xuống đất). Trong lễ hội vật là trò chơi mua vui cho dân chúng, mang lại nhiều tiếng cười cho người đi chảy hội. Nhưng vật ở làng An Biên lại có một ý nghĩa sâu sắc là cầu mùa. Tương truyền rằng, khi Thánh mẫu được Trưng Vương giao trấn giữ một miền, bà đã cho quân sĩ luyện tập võ nghệ và rèn luyện sức khỏe bằng cách đấu vật để cổ vũ tinh thần và xung khí chiến trận của quân sĩ.
Khi hội làng An Biên mở ra, thu hút được nhiều lò vật nổi tiếng các nơi trong và ngoài Hải Phòng về dự giải như lò vật Bắc Hà, Nam Sách, Hàng Kênh,...
Khai hội vật là 4 ông chức sắc, người làng An Biên ra vật hai keo. Sau đó đến các đô vật các lò vật vào tranh giải theo sự sắp xếp của Ban tổ chức. Giải nhất thường là 5 vuông lụa, một gói chè hảo hạng và một mâm trầu cau và một ít tiền. Riêng trầu cau thì cả người thắng giải lẫn người thua đều được ăn, đây là một trong những nét đặc trưng, thể hiện tinh thần hiếu khách của người làng An Biên.
Bơi chải được diễn ra ở hồ của đình An Biên. Cũng giống như đấu vật, bơi chải ở làng An Biên cũng mang một ý nghĩa sâu sắc, thể hiện ước muốn của cư dân vùng nông nghiệp, mong muốn được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Điều đặc biệt ở Hội bơi chải của làng An Biên là thường được tổ chức đối với cả nam và nữ. Đối với nữ, bơi bằng thuyền nan, đối với nam bơi bằng thuyền gỗ. Cuộc đua được diễn ra trong không khí vui tươi, náo nhiệt với những tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo người xem.
Tại đình An Biên còn diễn ra trò chơi đánh phết. Trò chơi đánh phết đòi hỏi sức mạnh và sự khôn khéo của tập thể cũng như tinh thần đồng đội cao. Tương truyền khi nữ tướng Lê Chân qua vùng Tam Nông (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) thấy trẻ chăn trâu chơi trò đánh phết, nữ tướng nhận thấy đây là trò chơi phù hợp với quân sĩ, tạo sự hấp dẫn, vui vẻ, và đặc biệt là rèn luyện sự khéo léo, ý chí đoàn kết khi xung trận của quân sĩ.
Ngoài ra, tại đền Nghè, trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài những nghi lễ tế lễ, người dân làng An Biên cũng tổ chức những hội thi hấp dẫn và lý thú như Hội thi hoa thủy tiên và Hội thi hát cung văn.
Người Hải Phòng từ ngàn xưa, mỗi khi tết đến xuân về đều có tục chơi hoa. Theo nguồn tư liệu của Hội hoa hữu cung cấp. Từ năm 1920 - 1943, cứ đến ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch - ngày Thánh đản, tại đền Nghè đều mở hội thi hoa Thủy Tiên.
Hoa Thủy Tiên vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, là một loài hoa đẹp, có hương thơm thanh khiết. Củ Thủy Tiên có hình dáng như một củ hành, lá thanh mảnh, cánh hoa màu trắng hoặc màu vàng, rễ cây tròn đầy, trắng muốt và óng ả và đặc biệt hoa Thủy Tiên là một trong những loài hoa nở sớm nhất vào lúc chớm xuân, sau những ngày dài rét mướt của mùa đông.
Với tấm lòng thành kính, biết ơn và sự ngưỡng mộ của người dân làng An Biên xưa đối với Thánh Chân Công chúa, mọi người đều mong muốn được dâng lên Thánh những gì đẹp nhất. Do vậy, người dân làng An Biên xưa đã nghĩ ra việc lập hội chơi hoa Thủy Tiên, lấy tên là "Hoa hữu hội" có nghĩa là hội những người bạn của hoa. Mục đích của hội này là hằng năm chọn được những bình hoa Thủy Tiên đẹp nhất để làm lễ dâng lên Thánh mẫu.
Để có thể chọn được những bình hoa đẹp dâng lên Thánh mẫu, ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm, những người trong "Hoa hữu hội" lại cùng với nhân dân làng An Biên xưa khai mạc hội thi hoa Thủy Tiên. Người Hải Phòng đinh ninh rằng, nếu hội thi mà tuyển chọn được đúng bình hoa Thủy Tiên đẹp nhất làm lễ dâng lên Thánh mẫu Lê Chân thì đời sống của mọi người nằm trong quyền năng, tha lực bảo trợ của Thánh mẫu sẽ tươi đẹp suốt trong năm.
Mỗi năm thể lệ cuộc thi có những sự điều chỉnh khác nhau cho phù hợp, nên cứ vào trung tuần tháng 11 âm lịch, những người chơi hoa thủy tiên ở khắp nơi (từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận) đổ về cổng đền Nghè để xem bảng yết thể lệ cuộc thi hoa thủy tiên diễn ra ngày mồng 8/2 âm lịch.
Nhưng tiêu chuẩn của hoa dự thi thì không thay đổi và luôn có những quy định khắt khe như: Hoa phải năm giò, tức là củ hoa phải gồm có 5 nhánh đều; hoa chi tề chỉnh, hoa lá phượng chi; hoa cập thời; hoa tề hàm vị tiếu (các giò hoa phải thật đều và phải được nở đúng ngày, giờ quy định) và đặc biệt là hoa phải là hoa màu trắng.
Những người muốn dự hội thi hoa, phải gặp Ban tổ chức hội thi để đăng ký dự thi và phải trải qua vòng phỏng vấn nhanh về những kiến thức, hiểu biết về hoa thủy tiên, về di tích đền Nghè và về Thánh mẫu Lê Chân sau đó mới chính thức có tên trong hội thi.
Trong thời gian chuẩn bị dự thi, người dự thi phải làm nhiều việc khá công phu, tỷ mỉ: chọn mua cho được của thủy tiên có 5 giò đều nhau như quy định, sau đó phải chăm sóc, gọt tỉa thật khéo léo để củ được sạch sẽ, bóng mượt mà không sây sát, đặc biệt hơn cả là phải ngâm làm sao cho hoa lá nở đúng ngày, giờ quy định và đúng yêu cầu "Hoa tề hàm vị tiếu".
Hội thi hoa thủy tiên được khai mạc vào 8h tối ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch. Ngay từ chiều, tại sân đền Nghè, người ta dựng một cái rạp đẹp, chắc chắn. Xung quanh rạp buộc dóng tre, loại tre được chọn cẩn thận. Rạp trang hoàng lộng lẫy, uy nghi: Y môn, cờ, tán, chính giữa rạp đặt bộ bát biểu, hai bên tả hữu là bộ chiêng, trống,... trong rạp, nền trải chiếu hoa, đặt 5 - 6 chiếc bàn, nơi để những bình hoa dự thi.
Những người dự thi thận trọng đặt bình hoa đã cắm biển ghi tên và địa chỉ của mình lên những chiếc bàn, người thư ký của hội thi đến từng bình hoa rút các tấm biển ra ghi tên và địa chỉ của từng người vào mảnh giấy nhỏ rồi dán úp mặt có chữ vào thành bình, làm như vậy để cuộc thi được giữ bí mật và khách quan trọng việc chấm thi.
Đúng 8h tối, một hồi trống đổ dồn nổi lên giữa không khí ồn ào náo nhiệt báo hiệu hội thi hoa thủy tiên bắt đầu. Ban giám khảo cuộc thi ra mắt khán giả. Họ chấm vòng sơ khảo và trung khảo. Họ làm việc dưới sự giám sát và góp ý của nhân dân. Cuối cùng ông chủ khảo mới ra, cầm đèn soi lại cẩn thận từng giỏ hoa, rễ hoa,.. công bố từng loại giải để hỏi ý kiến khán giả xem đã thỏa đáng chưa rồi mới quyết định chính thức. Nếu mọi người đồng ý cả, ông mới trịnh trọng đặt từng bình hoa vào vị trí được giải thưởng, nếu còn có người thắc mắc thì ông chủ khảo phải lấy ý kiến mọi người để quyết định.
Tất cả các bình hoa lúc này đều "Cập thời hàm tiếu" tỏa hương thơm ngào ngạt, mỗi bình hoa có một vẻ đẹp riêng. Những bình hoa trúng giải xếp thành 4 loại và để ở 4 vị trí khác nhau. Hai bình được giải nhất được gọi là "Giải nguyên" và "Á nguyên", một bình được tặng giải nhì gọi là "Giải đệ nhị", một bình được giải ba gọi là "Giải đệ tam", 10 giải khuyến khích được gọi là "Giải Thiên thủ". Ngoài ra, còn một giải tặng cho hai chậu hoa đẹp nhất.
Chỉ sau khi mọi người đã công nhận giải, không còn ý kiến khác thì ông chủ khảo mới trịnh trọng đặt các bình hoa vào chiếc bàn 4 bậc có trải vóc hồng, diềm thêu kim tuyến. Hai giải nhất đặt trên cùng rồi lần lượt đến các giải "Đệ nhị" "Đệ tam" và 10 giải "Thiên thủ". Bàn được kết hoa chăng đèn ngũ sắc, rước vào trong cung, đặt trước cửa ngai thờ Thánh Mẫu Lê Chân và để dâng Mẫu suốt 3 ngày hội.
Hết 3 ngày hội, Ban tổ chức mới mở một tiệc trà vào buổi sáng ngày hôm sau để trao giải thưởng. Phần thưởng cho mỗi giải chỉ mang tính chất khích lệ và chia vui, những người được giải cùng ngồi uống trà, thụ lộc, trò chuyện với nhau về vẻ đẹp của mỗi bình hoa và những kinh nghiệm rút ra được từ trong hội thi này. Hội thi hoa thủy tiên còn đưa những người từ xa lạ xích lại gần nhau hơn, qua cuộc thi hoa họ biết nhau và trở thành những người bạn, chia sẻ kinh nghiệm hiểu biết về hoa, tạo nên mối thân tình, hòa hảo thật đẹp.
Bên cạnh cuộc thi hoa Thủy Tiên, tại đền Nghè có những năm còn tổ chức hội thi chấm giải cung văn.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn Việt Nam là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vào thời gian này, tại vùng đồng bằng Bắc Bộ thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn.
Tại làng An Biên xưa, quận Lê Chân ngày nay, trong những ngày diễn ra lễ hội cũng thường xuyên tổ chức thi hát cung văn.
Đối với người dân An Biên xưa, nữ tướng Lê Chân được xem trọng như cha mẹ, người khai sinh ra vùng đất An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay. Khi hóa đã luôn linh ứng, che chở, phù giúp cho dân làng có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Được nhân dân suy tôn là Thánh mẫu, mẫu nghi thiên hạ (mẹ của muôn dân).
Để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Thánh mẫu, tại di tích đền Nghè, nơi thờ Thánh mẫu Lê Chân, người dân An Biên xưa và rất nhiều người dân ở các vùng lân cận mong muốn được thể hiện lòng biết ơn, sự kính qua những lời văn, vần thơ ngợi ca công đức của Thánh mẫu.
Với những ý nghĩa đó, vào những ngày tháng của lễ hội, người dân làng An Biên lại nô nức chuẩn bị cho hội thi hát văn. Để lựa chọn được cung văn vừa hát giỏi, biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ và biết ứng thí linh hoạt dân làng phải lựa chọn ra những người am hiểu về hát văn vào ban giám khảo để chấm giải và đưa ra những quy định của hội thi, sau đó thông báo thời gian và quy chế tổ chức hội thi.
Trước hết, những cung văn phải đăng ký về ban tổ chức để được bố trí thời gian và sắp xếp lịch thi. Những người dự thi phải hiểu rõ về ý nghĩa của lễ hội, về
Thánh mẫu để lựa chọn và sáng tác những bài văn hay, ca ngợi công đức của Thánh mẫu.
Hội thi cung văn được tổ chức thành hai vòng, vòng sơ khảo của hội thi cung văn được tổ chức vào tối ngày mồng 7 tháng 2 âm lịch, sau khi các nghi thức được hoàn tất. Vòng sơ khảo cung văn lựa chọn ra những cung văn có hiểu biết về thân thế, sự nghiệp và công đức của Thánh mẫu cũng như sự hiểu biết về ngôi đền thờ Thánh mẫu để lựa chọn ra những người tiêu biểu tranh giải vào tối mồng 8 tháng 2.
Đến 19h ngày mồng 8 tháng 2 hội thi chấm giải cung văn được diễn ra. Đây là phần thi thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, bởi sự huyền bí và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đậm chất tâm linh thể hiện qua mỗi bài văn mà các cung văn thể hiện. Mỗi bài văn mà các cung văn thể hiện đều ca ngợi công đức của Thánh mẫu Lê Chân đối với dân với nước và đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn của người dân làng An Biên đối với Thánh mẫu.
"Chiến khu Đệ tứ Đông Triều
Giáng sinh thục nữ yêu kiều Lê Chân
Nặng lòng vì nước, vì dân
Phất cờ nương tử, diệt quân tham tàn
Lập nghĩa binh giấy cờ khởi nghĩa
Cùng Trung Vương cất bước đứng lên
Làm cho quân giặc đảo điên
Thái thú Tô Định bao phen tơi bời
Sắc phong Vua tặng cho Người
Quản binh nữ tướng muôn đời ngợi ca
Dựng làng Vẻn, phá rừng, lấn biển
Lập Hải Tần phòng thủ biên cương
Người đông tích lũy thảo lương
Lập binh dấy nghĩa khắp miền gần xa
Họp tướng sĩ những người hào kiệt
Cùng kề vai gánh vác non sông..."
Hội thi cung văn trong ngày lễ hội truyền thống của người dân An Biên xưa thu hút nhiều cung văn nổi tiếng từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình,... nhiệt tình tham gia, hưởng ứng, góp phần làm tăng thêm sự sôi động, hấp dẫn và sự linh thiêng của lễ hội đầu xuân của dân làng An Biên.
Sau nhiều ngày diễn ra lễ hội trong không khí vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây. Đến 17h ngày mồng 9 tháng 2 âm lịch dân làng An Biên tế ta, kết thúc một mùa lễ hội.
2. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể:
2.1. Giá trị lịch sử:
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là một lễ hội có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người dân thành phố Hải Phòng nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng.
Lễ hội được tổ chức nhằm ghi nhớ công lao to lớn của nữ anh hùng dân tộc, một nữ tướng tài ba thời đại Hai Bà Trưng, người có công khai phá vùng đất ven biển từ vùng bãi bồi sình lầy thành trang An Biên trù phú, đặt cơ sở đầu tiên cho việc hình thành thành phố Hải Phòng ngày nay, một trung tâm kinh tế, đô thị loại I cấp quốc gia, có vị trí chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, một cảng biển lớn nhất vùng Duyên hải bắc bộ.
Qua đó, khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc giúp cho con cháu hậu thế thêm sức mạnh, niềm tin yêu vào cuộc sống hàng ngày.
Từ một nhân vật có thật trong lịch sử với những công đức lớn lao, nữ tướng Lê Chân được nhân dân quận Lê Chân nói riêng người dân thành phố Hải Phòng nói chung tôn vinh là thành hoàng của thành phố và suy tôn bà là bậc Thánh Mẫu. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, người dân An Biên xưa đã chọn ngày Thánh đản ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày lễ hội truyền thống của người dân nơi đây.
2.2. Giá trị văn hóa - xã hội:
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, những phong tục tập quán, qui ước trong lễ hội được qui định nghiêm ngặt. Đây là một lễ hội được đánh giá có qui mô và sức lan tỏa lớn ở thành phố Hải Phòng, được thể hiện rõ nét trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với những câu truyện về Thánh Mẫu.
Ngoài ý nghĩa lịch sử nó còn chứa đựng nội dung sâu sắc về mặt văn hóa - xã hội.
Quận Lê Chân là quận trung tâm thành phố, là quận thu hút người dân khắp nơi đổ về đây sinh sống, kể cả người Hoa Kiều. Khi đến đây họ cùng hòa đồng với dân làng cổ An Biên, ngay cả người Hoa ở đây và trên toàn thành phố có nhiều người am hiểu lịch sử văn hóa Việt, họ biết rất rõ thành hoàng làng là nữ tướng Lê Chân tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại sự đô hộ của Đông Hán nhưng họ vẫn thành tâm sùng kính. Ở đền Nghè, nơi thờ nữ tướng Lê Chân thường có nhiều người Hoa đến cúng lễ, cung tiến đồ thờ tự góp tiền của vào những lần trùng tu đền phủ. Quan chức Pháp mặc dù theo đạo Thiên chúa cũng có người góp đến 100 đồng Đông Dương trong lần sửa đền Nghè năm 1926. Nguồn gốc sinh ra của những hiện tượng trên bắt nguồn từ sức sống văn hóa dân tộc đã ăn sâu bám rễ gần 2000 năm của dân làng Vẻn - An Biên trang, nên đã chinh phục được dân nhập cư có nền văn hóa khác.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân là sinh hoạt tín ngưỡng lớn nhất, tổng hợp nhất của người dân quận Lê Chân, cũng là dịp nêu cao tinh thần làng xã, sự cố kết cộng đồng. Ngày hội không chỉ là các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là dịp để người dân thể hiện tài năng giữa các giáp trong làng, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm, biểu dương lực lượng, sức mạnh của cư dân nhằm gắn kết cộng đồng làng xã.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân còn là dịp để người dân thành phố Hải Phòng nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của vị Đương cảnh thành hoàng Nam Hải uy linh Thánh Chân Công chúa. Đồng thời còn là dịp để người dân gửi gắm vào đó những khát vọng về mùa màng, về cuộc sống thanh bình cùng với ước mong được Thánh Mẫu phù trợ, che chở, gia ân công đức, ban phúc cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
2.3. Giá trị khoa học:
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân là nơi lưu giữ nguồn sử liệu quý giá, phong phú giúp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm những cứ liệu về một nhân vật, một vị nữ tướng tài ba có thật trong lịch sử, được các triều đại sắc phong, nhân dân tôn thờ.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân còn là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng cổ ven sông "làng Vẻn", tái hiện các phong tục tập quán cũng như các nghi thức, nghi lễ truyền thống của người dân An Biên xưa, quận Lê Chân ngày nay cùng các trò chơi dân gian, văn hóa dân gian, các tri thức dân gian khác,...
2.4. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay:
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã tạo ra một môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân trong vùng và khách thập phương về dự hội. Đây là dịp để người dân bày tỏ ước muốn được gặp gỡ, sinh hoạt cộng đồng với nhau trong một ngày hội, sau một năm làm việc với bao nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống thường ngày với những cái nắng nóng đổ lửa, rồi lạnh buốt, bão biển, mưa nguồn. Ngày xuân, mong được thong dong, vào đám cùng nhau nối lại những công lao, sự tích của thành hoàng, gặp gỡ, giao duyên, trẻ già, gái trai ai cũng tươi trẻ, thảnh thơi. Đó là hạnh phúc, sự đầm ấm, sự giao hòa giữa đất trời, thần linh và con người của cộng đồng dân cư Hải Phòng.
Đồng thời, lễ hội diễn ra cũng là lúc con người trở nên hòa hợp, gần gũi nhau hơn, trật tự đời sống xã hội được nhắc nhở, những mỹ tục được khơi dậy cùng với lòng nhân ái, vị tha được củng cố, xóa đi gianh giới giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp.
Vì vậy, lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân đã thực sự đáp ứng được nhu cầu giao lưu, nhu cầu tâm linh, đạo lý uống nước nhỡ nguồn, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo những giá trị truyền thống của dân tộc trước hết là cho người dân quận Lê Chân, sau đó là người dân thành phố Hải Phòng và đông đảo du khách gần xa.
3. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể:
Từ khi ra đời cho đến nay Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân An Biên xưa và người dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng ngày nay.
Mặc dù trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, đất nước ta liên tục gặp nạn xâm lăng, bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa, làm không gian của những di tích thờ nữ tướng cũng bị thu hẹp hơn. Nhưng đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm biết ơn đối với nữ tướng Lê Chân, vị Thánh Mẫu của nhân dân vẫn luôn hun đúc trong mỗi người dân Hải Phòng.
Mặc dù lễ hội không thường xuyên được tổ chức với quy mô lớn, với những rước sách hay những trò chơi dân gian ít được tái hiện trong lễ hội như Bơi chải, đánh Phết, hội thi hát văn, hội thi hoa thủy tiên ở đền Nghè,... song nhu cầu tín ngưỡng và lòng tôn kính của người dân Hải Phòng nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng vẫn luôn hướng về Thánh Mẫu lòng thành kính và lòng biết ơn vô hạn. Vào mỗi dịp đầu năm mới, và ngày lễ hội truyền thống của làng An Biên xưa, ngày Thánh đản mồng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm người dân khắp nơi nô nức đổ về nơi thờ Thánh Mẫu Lê Chân đặc biệt là tại di tích đền Nghè để dâng hương tưởng nhớ công đức của Người và cầu xin sự che chở, ban phước lành.
Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, UBND quận Lê Chân đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dần đưa Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân trở lại với cuộc sống của người dân, với mục đích khôi phục những nét văn hóa truyền thống xưa của làng An Biên, hun đúc thêm tình cảm của người dân thành phố với nữ anh hùng dân tộc, vị thành hoàng của thành phố, tạo nên sức mạnh cộng đồng, ý chí và lòng quả cảm của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng cả nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.
Những nghi thức, nghi lễ truyền thống diễn ra trong lễ hội và những trò chơi dân gian cùng những hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống dần được khôi phục và hoàn thiện.
Hiện nay, lễ hội cũng được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 2 âm lịch, và được tổ chức tại 3 địa điểm chính là Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đây là địa điểm diễn ra lễ khai mạc và tại đền Nghè và đình An Biên nơi thờ Nữ tướng, nơi diễn ra các nghi thức, nghi lễ và các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân.
Để chuẩn bị cho ngày lễ hội của người dân nơi đây, lãnh đạo UBND quận Lê Chân đã phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình của Lễ hội, trên cơ sở những nét văn hóa truyền thống.
Ngay từ những ngày cuối năm, tại các di tích thờ nữ tướng Lê Chân công tác dọn dẹp toàn bộ khuôn viên di tích và bao sái đồ thờ tự đã được chỉ đạo triển khai. Ngày mồng 7 tháng 2 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội và tại các di tích thờ Thánh mẫu làm lễ Cáo Yết, báo cáo Thánh mẫu công tác chuẩn bị đã hoàn tất và xin phép Thánh mẫu cho phép được khai hội. Nghi lễ này do đại diện lãnh đạo quận Lê Chân, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý di tích tiến hành dâng lễ và báo cáo.
Một điều đặc biệt là lễ vật dâng Thánh mẫu vẫn được thực hiện theo nghi thức truyền thống, từ ông lợn, đến cua bể, bún, bánh đúc và hiện nay thì lễ vật có phần phong phú hơn có đầy đủ đồ hải sản dâng Thánh như: Tôm, cá, sò biển, ốc biển,...
Sáng ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, ngay từ sáng sớm các hoạt động tế, lễ, dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức Nữ tướng được diễn ra tại di tích đền Nghè và đình An Biên. Đây là phần nghi lễ thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình tham gia của nhiều đội tế trên địa bàn quận và các đội tế của các tỉnh thành lân cận như đội tế Nữ quan Lê Chân, đội tế nữ quan Hồng Bàng, đội tế đến từ các tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh,...
Cùng với nghi lễ tế là lễ rước. Ngày nay, để phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội, quận Lê Chân là một quận nội thành, quận trung tâm của thành phố do vậy, các hoạt động kinh doanh phát triển mạnh, đường phố đông đúc nên hoạt động rước của lễ hội được thay đổi về thời gian cho phù hợp với điều kiện sống của người dân. Địa điểm khai mạc của lễ hội cũng được lựa chọn là nơi thuận lợi, tập trung và thu hút đông đảo người dân tham gia, thưởng thức lễ hội đó là khu Tượng đài nữ tướng Lê Chân tại dải trung tâm thành phố.
Lễ rước được diễn ra vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch với hai đoàn rước:
Đoàn rước 1, là đoàn rước của 7 phường (Vĩnh Niệm, Trại Cau, Dư Hàng Kênh, Dư Hàng, Hàng Kênh, An Dương, Lam Sơn) và các đoàn dâng lễ xuất phát từ đền Nghè đến Tượng đài Nữ tướng, số lượng người tham gia từ 500 đến 550 người, được xuất phát từ đền Nghè qua đường Mê Linh, sang đường Nguyễn Đức Cảnh, đến Quán hoa - qua đường Quang Trung và đến Tượng đài Nữ tướng.
Đoàn rước gồm thứ tự như sau: Cờ Tổ quốc, người rước cờ là một trai định mặc áo nậu truyền thống. Tiếp đến là Cờ hội, theo sau là Trống cái, Chiêng. Tiếp sau là dàn bát âm, bát biểu với 8 người rước, mặc áo nậu truyền thống, tiếp đến 8 người rước chấp kích và Kiệu hoa với 4 người mặc áo nậu truyền thống, tiếp đến là rước Lọng che và Kiệu võng với 8 người khiêng và 8 người thay thế. Tiếp theo sau là đoàn của các đội tế và đoàn rước của các phường, các bô lão và nhân dân.
Đoàn rước 2, là đoàn rước của 8 phường (Đông Hải, Trần Nguyên Hãn, Kênh Dương, Niệm Nghĩa, Cát Dài, Nghĩa Xá, Hồ Nam, An Biên) xuất phát từ đình An Biên theo lộ trình từ đường Hai Bà Trưng qua Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh và đến tượng đài Nữ tướng Lê Chân, số lượng người tham gia đoàn rước từ 450 - 500 người.
Đoàn rước theo thứ tự như sau: đầu tiên là đội múa Lân, với trang phục múa lân. Tiếp theo là Cờ Tổ quốc, người mang cờ Tổ quốc là trai đinh, mặc áo hậu màu vàng, thắt khăn, đại lưng, xà cạp. Tiếp đến là cờ ngũ sắc, tương ứng với 5 màu là vàng, đỏ, xanh, trắng, đen và gồm 5 trai đinh mặc áo nậu đỏ, thắt khăn, đại lưng, xà cạp. Tiếp theo là Trống cái, Chiêng, gồm có hai người khiêng và một người đánh trống, chiêng. Tiếp theo sau là 20 cờ hội nhiều màu, gồm có cờ trung hoặc cờ tiểu, gồm các trai đinh mặc áo nậu màu vàng, thắt khăn, đại lưng, xà cạp. Tiếp theo sau đoàn rước bát biểu chấp kích, gồm 8 người và 8 người thay thế, mặc áo nậu màu vàng, tiếp theo sau là phường đồng văn, và đoàn tế. Kế đến là kiệu hoa, gồm có 4 người khiêng và 4 người dự bị, mặc áo nậu màu đỏ. Theo sau là Lọng che, gồm 2 cô gái mặc áo nậu màu vàng và 2 người dự bị. Tiếp theo là hai ông ngựa giấy to và tiếp sau là Long Đình, gồm có 4 người khiêng, và 4 người dự bị thay thế, mặc áo nậu màu vàng. Theo sau là Kiệu Bát cống, gồm có 8 người khiêng và 8 người dự bị thay thế, mặc áo nậu màu vàng. Theo sau là các đoàn tế, các phường, các bộ lão và nhân dân,...
Lễ rước được diễn ra trong không khí trang nghiêm nhưng cũng đầy sự vui tươi phấn khởi, nhiều người dân có cơ hội được hòa mình vào sự náo nhiệt của đoàn rước, được chiêm bái anh linh và thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần của quê hương.
Trong không khí náo nhiệt của buổi lễ, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ giữa giải trung tâm thành phố, với đông đảo người dân tham dự, đại diện lãnh đạo quận Lê Chân lên đánh trống khai mạc hội, cùng với việc đánh trống khai hội là sự chuẩn bị công phu của người dân với một đội tiêu binh nữ mặc áo nậu vàng, thắt lưng đỏ cầm cờ và đội tế Nam cùng một dàn trống chuẩn bị biểu diễn sau khi một hồi ba tiếng trống vừa rút.
Tiếp sau là lễ dâng hương của đại diện lãnh đạo thành phố, quận, và các đơn vị tham gia thực hiện chương trình lễ hội. Lãnh đạo quận Lê Chân đại diện lên đọc Chúc Văn, các nghi lễ trong đọc Chúc văn cũng được chuẩn bị theo lệ cổ: 1/ Lễ độc chúc, 2/ Lễ nghệ độc chúc vị tiền (Mạnh bái, lãnh đạo quận đọc, và phụ lễ tiến lên trước hương ản), 3/ Chuyển chúc: Phụ lễ lấy chúc văn, 4/ Mạnh bái lễ và đưa cho người đọc, 5/ Phẩn chúc (Đốt chúc văn), 6/ Bình thân phục vị (3vị về vị trí ban đầu), 7/ Lễ tạ nữ tướng các cung bái - Đọc xong lễ tạ và hóa chúc.
Bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, vào những ngày diễn ra lễ hội, tại dải trung tâm, đền Nghè, đình An Biên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian. Để đáp ứng và phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay, ban tổ chức lễ hội tổ chức những khu vui chơi, giải trí, những chương trình văn hóa, thể thao phù hợp từng bước khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại khu vực Tượng đài nữ tướng Lê Chân - giải trung tâm thành phố tổ chức chương trình Chợ quê, với nhiều gian hàng được chuẩn bị chu đáo, với những sắc thái vùng miền khác nhau, tạo nên những nét riêng, hấp dẫn du khách và nhân dân. Chợ quê được diễn ra trong hai ngày từ ngày mồng 7 đến hết ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch.
Tại sân phía trước Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, phía sau tượng đài tổ chức chương trình biểu diễn Pháo đất, và biểu diễn Võ dân tộc. Tương truyền rằng, Pháo đất là trò chơi có từ thời nữ tướng Lê Chân cầm quân đánh giặc Đông Hán. Ban đêm, để nghi binh giặc nên dân làng bày ra trò làm pháo đất tạo ra tiếng nổ lớn để đe dọa quân giặc.
Tại đền Nghè, tối ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch tổ chức chương trình văn nghệ dân gian như hát xẩm, hát chèo, hát văn,...
Tại đình An Biên vào ngày 9 tháng 2 âm lịch tổ chức chương trình văn nghệ dân gian, diễn xướng chầu văn, và biểu diễn nhạc cụ dân tộc,...
Mặc dù, nhiều trò chơi dân gian của làng An Biên xưa chưa được khôi phục như bơi chải, đánh phết, chơi cờ, hay các cuộc thi như hội thi hoa Thủy Tiên, thi hát cung văn,... nhưng để phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội cũng như khuôn viên của di tích nhiều loại hình văn hóa dân gian được ban tổ chức lựa chọn phù hợp và được người dân Hải Phòng nói chung và người dân Lê Chân nói riêng nhiệt tình tham gia, hưởng ứng.
Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân đã và đang trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Đây là dịp để người dân Hải Phòng nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn với vị nữ tướng tài ba, người đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay. Được nhân dân Hải Phòng suy tôn là thành hoàng của thành phố - Nam Hải Uy linh Thánh Chân Công chúa tôn thần.
Với ý nghĩa đó, Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân mãi mãi tồn tại và có sức sống mạnh mẽ trong lòng người dân thành phố Hải Phòng nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng.