25/04/2025
Trường THPT Trần Nguyên Hãn tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp thành phố: “Thực hành thí nghiệm thực tế gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”
Chiều ngày 21/4/2025, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp thành phố với chủ đề: “Thực hành thí nghiệm thực tế gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; đồng chí Phạm Việt Anh - Ủy viên Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân; đại diện Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT; cùng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố; các thầy cô giáo và gần 2000 học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn.
Trong những năm gần đây, Trường THPT Trần Nguyên Hãn đã đẩy mạnh các hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, đặc biệt là tăng cường tổ chức thực hành, thí nghiệm nhằm giúp học sinh không chỉ “thấy hiện tượng”, mà còn có cơ hội “ngấm kiến thức - rèn kỹ năng - hình thành thái độ” - từng bước phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018



Phát biểu tại hội thảo, cô giáo Nguyễn Phương Thảo - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Mặc dù quá trình triển khai chương trình mới còn gặp không ít khó khăn như hạn chế về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ năng tổ chức thực hành hay mức độ chủ động của học sinh, nhưng nhà trường đã luôn chủ động đổi mới. Trường đã triển khai các chuyên đề thường niên, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng mở, xây dựng bài học gắn với thực tiễn cuộc sống, tích cực ứng dụng các mô hình giáo dục hiện đại như STEM, dạy học dự án, dạy học qua trải nghiệm và thí nghiệm mở.


Tại trường Trần Nguyên Hãn, học sinh được khuyến khích tiếp cận khoa học thông qua những hoạt động gần gũi với đời sống như: phân tích thành phần các sản phẩm tẩy rửa; theo dõi sự phát triển của cây trồng trong vườn nhà; thiết kế mô hình tiết kiệm năng lượng cho góc học tập; tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các thiết bị điện trong gia đình; hay thực hiện báo cáo thực hành bằng hình thức số hóa thay cho báo cáo giấy truyền thống… Những trải nghiệm học tập sinh động này đã góp phần nuôi dưỡng đam mê khám phá, hình thành tư duy khoa học, phát triển kỹ năng hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề ở học sinh.
Tại hội thảo, nhà trường cũng đưa ra 4 nội dung trọng tâm nhằm chia sẻ, trao đổi và cùng thảo luận với các đại biểu, gồm: Giải pháp tổ chức hoạt động thực hành hiệu quả trong điều kiện còn hạn chế về thiết bị, vật tư; Định hướng điều chỉnh kế hoạch bài dạy để tích hợp phát triển phẩm chất, năng lực vào nội dung thực hành; Tăng cường tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình thực hành, thay vì chỉ “làm cho có”; Ứng dụng công nghệ thông tin và thí nghiệm mô phỏng (ảo) nhằm hỗ trợ dạy học hiệu quả hơn.
Thực hành - thí nghiệm không chỉ dừng lại ở một “tiết học đặc biệt”, mà đang dần trở thành thói quen tư duy, phương pháp học tập chủ đạo và là cầu nối quan trọng giữa lý thuyết và thực tiễn - giúp học sinh học để làm, học để trưởng thành, học để sống trọn vẹn trong thời đại mới.
Hội thảo không chỉ là dịp để các nhà trường, tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố kết nối, chia sẻ kinh nghiệm mà còn lan tỏa cảm hứng đổi mới trong phương pháp dạy học, hướng tới mục tiêu hình thành cho học sinh 10 năng lực cốt lõi và 5 phẩm chất chủ yếu theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
btvquanlechan